Critical thinking là một trong những kỹ năng mà hầu như nhà tuyển dụng ở hầu hết mọi lĩnh vực đều tìm kiếm ở ứng viên của mình. Vậy critical thinking là gì? Vì sao kỹ năng này lại quan trọng? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Critical thinking là gì?
Critical thinking hay còn gọi là Tư duy phản biện, là kỹ năng diễn giải, đánh giá và phân tích các thông tin, sự kiện một cách khách quan và hợp lý để đưa ra quyết định hay phán đoán điều đó đúng hay sai. Không chỉ đơn thuần là nhận thông tin, người có critical thinking sẽ đào sâu vấn đề, đặt câu hỏi về các giả định và khám phá nhiều góc nhìn khác nhau trước khi đưa ra kết luận một cách sáng suốt nhất.
Critical thinking được được đánh giá cao trong nhiều lĩnh vực và đây là yếu tố mà hầu như mọi nhà tuyển dụng tìm kiếm ở ứng viên của mình. Đây là một kỹ năng mềm, nghĩa là một kỹ năng vốn có trong tính cách của một người. Tuy nhiên, critical thinking vẫn có thể luyện tập và phát triển.
Tầm quan trọng của critical thinking
Tư duy phản biện hữu ích trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, đặc biệt trong công việc. Kỹ năng này giúp bạn trở thành một người toàn diện hơn khi biết xem xét các thông tin và lựa chọn giải pháp khả thi của mình trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Những người có critical thinking tốt thường là những cá nhân hiểu biết sâu rộng, xác định được các thông tin sai lệch và các nguồn tin không đáng tin cậy. Những lợi ích tiêu biểu mà critical thinking đem lại có thể kể đến như:
1. Quyết định tốt hơn
Critical thinking giúp ta cân nhắc ưu và nhược điểm, các phương án thay thế và dự đoán hậu quả tiềm ẩn. Điều này giúp quá trình đưa ra quyết định sáng suốt và hiệu quả hơn trong bất kỳ lĩnh vực và chuyên môn nào.
2. Có được thông tin đầy đủ hơn
Những người sở hữu critical thinking biết chủ động tìm kiếm nhiều nguồn thông tin khác nhau để đảm bảo có cái nhìn toàn diện về một vấn đề phức tạp. Từ đó, họ có thể tham gia vào cuộc thảo luận, nêu lên ý kiến của bản thân và có những đóng góp mang tính xây dựng cho tổ chức, cộng đồng.
3. Tự nhận thức tốt hơn
Bằng cách nuôi dưỡng thói quen tư duy và phản biện, ta sẽ có nhận thức tốt hơn về bản thân, từ đó biết đâu là điểm mạnh và hạn chế của mình. Sự tự nhận thức này cho phép ta liên tục cải thiện và phát triển bản thân ngày càng tốt hơn.
4. Xác định được thông tin sai lệch
Internet cùng với công nghệ ngày càng phát triển, con người dễ dàng tiếp cận được nhiều thông tin hơn. Đây là một lợi ích song có thể là mối nguy hại nếu ta tiếp cận quá nhiều thông tin sai lệch. Critical thinking giúp ta nâng cao nhận thức và chọn lọc thông tin, tránh bị đánh lừa bởi các thông tin có hại.
5. Giải quyết vấn đề sáng tạo hơn
Critical thinking khuyến khích cách tiếp cận giải quyết vấn đề sáng tạo và vượt ra ngoài khuôn khổ. Bằng cách xem xét vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau, nhận biết các nguy cơ tiềm ẩn, critical thinking sẽ giúp ta đưa ra các giải pháp có tính sáng tạo hơn cho những thách thức phức tạp.
Cách phát triển kỹ năng critical thinking
Ai trong chúng ta cũng nên phát triển kỹ năng critical thinking bởi chúng có ích không chỉ trong công việc mà còn trong đời sống hằng ngày. Sau đây là một số phương thức đơn giản giúp bạn rèn luyện critical thinking tốt hơn:
1. Đặt câu hỏi mở
Khi tiếp nhận các thông tin hay bạn muốn biết thêm ý kiến của người khác, bạn hãy đặt ra những câu hỏi mở, nghĩa là những câu hỏi không thể trả lời bằng “có” hoặc “không”. Những câu hỏi mở sẽ giúp bạn thu thập được nhiều thông tin có giá trị hơn, đồng thời cũng ngăn chặn thành kiến của riêng bạn ảnh hưởng đến ý kiến của mọi người.
2. Lắng nghe một cách tích cực
Lắng nghe tích cực giúp bạn xử lý thông tin và hiểu tốt hơn những gì người khác đang chia sẻ. Điều này sẽ rất có ích cho những ai ham học hỏi và muốn sở hữu tư duy cởi mở hơn.
3. Xem xét các nguồn thông tin
Khi bạn được nhận thông tin về một vấn đề từ nhiều nguồn khác nhau, đừng vội tin tưởng mà nên có sự xem xét các nguồn thông tin nào uy tín. Nâng cao hiểu biết về phương tiện truyền thông và đặt thêm nghi vấn, câu hỏi sẽ giúp bạn sáng suốt hơn. Có thể sẽ khó cân bằng giữa sự hoài nghi và tư duy cởi mở, bạn có thể tiếp nhận thông tin bằng những câu hỏi thay vì sự nghi ngờ, chối bỏ để tạo được thiện cảm và đưa ra kết luận tốt hơn.